MENU
  • Trang chủ
  • Về DYM expand_more
    • Câu Chuyện DYM
    • Cơ Sở Vật Chất
    • Giờ Làm Việc Của Các Khoa
    • Bảng Giá Dịch Vụ
    • Giấy Phép Hoạt Động
  • Hướng Dẫn expand_more
    • Bảo Hiểm
    • Thanh Toán
    • Hỏi – Đáp
  • Thông Báo
  • Đặt Lịch Hẹn
  • Hệ Thống Phòng Khám
  • phone 1900 292937
    8:00 - 18:00
  • Language...
  • Language...
  • Trang chủ
  • /

  • Thông Báo
  • /

  • Nhật Bản giải quyết tình trạng sụt giảm nguồn nhân lực điều dưỡng như thế nào?

Nhật Bản giải quyết tình trạng sụt giảm nguồn nhân lực điều dưỡng như thế nào?

Đây là một trong những vấn đề mà đoàn công tác Ngành Y tế TP.HCM quan tâm khi nghiên cứu và học tập tại Nhật Bản (tháng 3/2024).

Giảng viên đang hướng dẫn thực hành mô phỏng lâm sàng tại Khoa Điều dưỡng, Đại học Y tế Phúc lợi Quốc tế – cơ sở Otawara (Nhật Bản) tháng 3/2024

Trong những năm gần đây, tình trạng sụt giảm nguồn nhân lực điều dưỡng trong hệ thống y tế Nhật Bản ngày càng trở nên trầm trọng vì một số nguyên nhân như tỷ suất sinh giảm, già hoá dân số, cũng như hiện tượng “burnout” ở nhân viên y tế do đại dịch COVID-19. Số điều dưỡng trên 1 giường bệnh ở Nhật Bản năm 2017 là 0,52, thấp hơn rất nhiều so với trung bình của thế giới là 1,39 và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (Ministry of Health, Labor, and Welfare – MHLW) đã cảnh báo đến năm 2025 số lượng điều dưỡng sẽ giảm 60.000 đến 270.000 người. Nhân lực điều dưỡng ở Nhật Bản chủ yếu là nữ, chiếm đến hơn 90%, và nhiều người trong số họ gặp khó khăn trong cân bằng giữa công việc, những ca trực đêm với những thay đổi trong cuộc sống như kết hôn và sinh con. Ngoài ra, những điều dưỡng làm việc trong lĩnh vực cấp cứu ít có thời gian được nghỉ ngơi do bản chất công việc của họ gắn với cuộc sống hàng ngày. Tất cả những vấn đề nói trên làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc bệnh nhân, chăm sóc bản thân, và mất động lực trong công việc dẫn đến sụt giảm nguồn nhân lực điều dưỡng.

Đối mặt với vấn đề này, chính phủ Nhật Bản đã triển khai một số biện pháp để giải quyết tình trạng sụt giảm nguồn nhân lực điều dưỡng. Chẳng hạn, MHLW đã tăng mức hỗ trợ tài chính cho công tác điều dưỡng. Chính phủ cũng tập trung cải thiện điều kiện làm việc của điều dưỡng, tạo cân bằng giữa công việc và cuộc sống, và những cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Các biện pháp bao gồm xem lại hệ thống trực gác, hỗ trợ chăm sóc con nhỏ, và giúp đỡ khi họ quay trở lại công việc sau thời gian hậu sản.

Bên cạnh những biện pháp liên quan đến cải thiện môi trường làm việc nói trên, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng điều dưỡng. Trước hết là giải quyết tình trạng phân bố điều dưỡng không đều giữa các vùng. Nghiên cứu cho thấy điều dưỡng có khuynh hướng thích làm việc ở quê nhà, vì vậy không dễ thu hút nguồn nhân lực từ nơi này qua nơi khác. Giải pháp khả thi là ưu tiên thành lập các cơ sở đào tạo cho những nơi thiếu hụt điều dưỡng.

Vấn đề về chất lượng đào tạo và thực hành điều dưỡng cũng rất quan trọng. Dù số lượng các trường đại học đào tạo điều dưỡng tăng nhưng chỉ khoảng 30% số điều dưỡng Nhật Bản có bằng cử nhân. Vì vậy cần tăng cường các chương trình đào tạo điều dưỡng để tăng tỷ lệ này và thiết lập các hệ thống cho phép điều dưỡng học tập nâng cao trình độ liên tục trong sự nghiệp để hạn chế bỏ việc.

Sự thiếu hụt và phân bố điều dưỡng không đồng đều cũng có thể cải thiện thông qua sự lồng ghép trí tuệ nhân tạo như ChatGPT vào lĩnh vực điều dưỡng. Với khả năng đáp ứng tức thì, ChatGPT đưa ra những hỗ trợ chăm sóc mang tính cá thể hoá và cung cấp những công cụ đào tạo để phát triển nghề nghiệp cho điều dưỡng.

Tóm lại, Nhật Bản đang giải quyết tình trạng sụt giảm nguồn nhân lực điều dưỡng bằng cách tiếp cận toàn diện, cả những biện pháp tức thì và chiến lược lâu dài.

(Tin từ Đoàn công tác của Ngành y tế TP.HCM tại Nhật Bản)
arrow_left

Thông Báo